Bài toán quản lý chi tiêu gia đình sẽ trở nên dễ dàng nếu bạn biết cách sắp xếp và lên kế hoạch chi tiêu hợp lý. Lời khuyên dành cho bạn là nên thường xuyên “đánh giá tình trạng sức khỏe” của ngân sách gia đình hàng tháng, hàng quý, hàng năm để xác định được xu hướng tiêu dùng của gia đình mình và có những điều chỉnh kịp thời.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số giải pháp để kiểm soát và quản lý chi tiêu gia đình hiệu quả.
1. Vì sao phải quản lý chi tiêu gia đình?
Nghệ thuật quản lý tài chính được phân chia theo 3 cấp độ: quản lý tài chính cá nhân, gia đình và quản lý tài chính cho doanh nghiệp. Trong đó, ngân sách tài chính gia đình là cấp độ dễ xảy ra biến động nhất. Các sự kiện, sự việc ngoài dự tính có thể xảy ra bất cứ lúc nào như có thêm em bé, mua sắm các vật dụng đắt tiền, sự cố hi hữu,…. Vì vậy, bạn phải lên kế hoạch và dự báo những rủi ro có thể xảy ra để đưa ra phương án giải quyết.
Bạn càng tính toán chi tiết, tỉ mỉ thì việc quản lý chi tiêu gia đình càng dễ dàng. Việc tính tổng mức thu và chi tiêu càng rõ ràng thì việc xác định xu hướng tiêu của gia đình bạn đang theo hướng tiêu cực hay tích cực, có cần phải điều chỉnh gì hay không?. Nếu bạn là một người không có nhiều kinh nghiệm quản lý chi tiêu cho gia đình thì sau đây là một số gạch đầu dòng để bạn bắt đầu công việc này ngay hôm nay.
2. Đánh giá tình hình tài chính gia đình
Dù bạn có cảm thấy tình hình tài chính gia đình mình đang ở mức độ nào thì cũng nên thường xuyên phân tích và đưa ra đánh giá cụ thể. Việc này sẽ giúp bạn đảm bảo ngân sách gia đình ở mức độ an toàn hay “báo động” để điều chỉnh thu chi hợp lý.
Công cụ hữu hiệu giúp bạn đánh giá “sức khỏe tài chính” gia đình chính là Nhật ký chi tiêu. Hàng ngày bạn hãy ghi chép chi tiết và khoa học những khoản chi tiêu vào một cuốn sổ hay sử dụng các phần mềm hỗ trợ quản lý chi tiêu. Cuối ngày, cuối tháng bạn cần tổng kết lại con số tổng thu nhập và tổng chi tiêu của gia đình mình. Những con số thống kê sẽ cho bạn kết quả bất ngờ về thói quen chi tiêu của bản thân và gia đình đấy.
3. Thiết lập mục tiêu tài chính cho gia đình
Đã đến lúc bạn cần thay đổi tư duy và thói quen chi tiêu theo cảm xúc và không có kế hoạch. Bước đầu tiên bạn hãy xác định cho gia đình mình một mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn. Ví dụ, năm nay gia đình bạn dự định sẽ có thêm em bé thì bạn cần lên danh sách những thứ cần chuẩn bị cho sự ra đời của em bé. Ngoài ra, bạn cũng cần phải lên kế hoạch chi phí cho con gái lớn đi học lớp 1, chi phí đi du lịch cho cả nhà, chi phí quà tết nội ngoại,….. Hãy thật chi tiết và dự phòng cả những chi phí có thể phát sinh.
4. Đặt giới hạn mức chi tiêu trong gia đình
Trong mọi khoản chi tiêu đều phải có giới hạn. Để làm được điều này bạn phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở tổng thu nhập của gia đình cũng như nhu cầu và mức độ ưu tiên của từng khoản chi tiêu.
Cân nhắc trước khi quyết định mua sắm sẽ giúp ngân sách gia đình bạn vừa đảm bảo vừa tiết kiệm hiệu quả đấy. Một số mẹo trong công thức đặt giới hạn chi tiêu ngân sách tài chính gia đình như: lên danh sách cụ thể những thứ thật sự cần phải mua; Bỏ thói quen mua sắm theo cảm hứng hay sử dụng đồ hiệu; Không nên chiều con quá mức và đáp ứng mọi yêu cầu của con khi chúng đòi hỏi; Cắt giảm những chi phí sinh hoạt xa xỉ như ăn ngoài, mua thực phẩm không thật cần thiết;…..
Việc chi tiêu tiết kiệm sẽ là nền tảng quan trọng giúp cho nguồn ngân sách gia đình bạn ổn định và phát triển. Tuy nhiên, kế hoạch và thói quen quản lý tài chính cần phải được thực hiện một cách lâu dài, đều đặn để mang lại kết quả tốt nhất.
Bạn đang quản lý chi tiêu gia đình mình như thế nào? Những phương pháp mà bạn áp dụng hiện nay có khiến ngân sách gia đình bạn dư khoản nào không? Những khó khăn trong quá trình quản lý tài chính của vợ chồng bạn có bao giờ gặp phải bất đồng? Hoặc những bí quyết kiểm soát chi tiêu gia đình hợp lý của bạn là gì? Hãy chia sẻ bằng cách để lại bình luận bên dưới bài viết nhé.
Nguồn: Phạm Ngọc Anh